Quy hoạch phát triển huyện Dầu Tiếng đến năm 2020: Lấy nông nghiệp, du lịch làm trọng tâm

25/02/2021

Dầu Tiếng với những lợi thế đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội rất thuận lợi để phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và làm du lịch sinh thái. Bởi thế, định hướng phát triển đến năm 2020 của huyện này chọn nông nghiệp và du lịch làm trọng tâm.

Để có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng đến năm 2020, đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược phát triển thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam đã đưa ra nhiều số liệu cụ thể về tình hình hiện nay. Ở khu vực nông nghiệp, sản lượng lương thực của Dầu Tiếng chiếm 16% toàn tỉnh, đứng thứ 2 sau Tân Uyên. Trong khi đó, chăn nuôi và thủy sản huyện này đều chiếm những tỷ trọng khá lớn. Đặc biệt, Dầu Tiếng có diện tích cao su lên đến 53.200 ha, chiếm 43,4% diện tích cao su toàn tỉnh. Dù có lợi thế rất lớn ở mảng nông nghiệp, nhưng khu vực công nghiệp của Dầu Tiếng lại phát triển khá khiêm tốn. Dầu Tiếng hiện nay chỉ mới có khoảng 268 cơ sở công nghiệp (4% toàn tỉnh) với hơn 3.000 lao động (1% toàn tỉnh). Theo số liệu tổng hợp tính đến giữa năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong số này, Dầu Tiếng chỉ chiếm 0,62%. Đây là một con số khá khiêm tốn.

Sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo của kinh tế Dầu Tiếng. Trong ảnh: Ra quân trồng mới cao su

 

Chính từ những đặc thù về kinh tế - xã hội này mà tại cuộc họp thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định: “Dầu Tiếng trong 10 năm tới không thể thoát khỏi nông nghiệp. Ngoài ra, việc công nghiệp hóa như các huyện, thị khác sẽ rất khó khăn, chỉ có thể từng bước tăng tỷ trọng công nghiệp trong thời gian tới”. Cũng chính từ quan điểm này mà UBND tỉnh đã bác đề xuất thành lập Khu công nghiệp An Lập rộng khoảng 500 ha. Thay vào đó, Dầu Tiếng chỉ cố gắng hoàn thiện cụm công nghiệp Thanh An và thành lập mới thêm 2 cụm công nghiệp để phát triển việc sản xuất vật liệu xây dựng, cát đá xây dựng và chế biến nông sản. Bản quy hoạch tổng thể đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến nông sản, các sản phẩm từ cao su để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong khi đó, nông nghiệp Dầu Tiếng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây cao su và các cây trồng khác. Dầu Tiếng sẽ phát triển theo hướng lấy nông nghiệp làm chủ đạo, lấy cây cao su làm mũi nhọn để khai thác hiệu quả các tiềm năng của huyện.

Tuy nhiên, đòn bẩy cho kinh tế huyện Dầu Tiếng phát triển trong tương lai không chỉ đến từ việc phát triển nông nghiệp hay các cụm công nghiệp chế biến mà trong tương lai sẽ là trung tâm du lịch lữ hành lớn của cả tỉnh. Với đặc thù thiên nhiên có nhiều ưu đãi, khí hậu trong lành lại có các con sông Sài Gòn, Thị Tính chảy qua, Dầu Tiếng có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, Dầu Tiếng còn có nhiều di tích lịch sử, đền chùa tâm linh cũng sẽ là nơi thu hút khách du lịch gần xa nếu được định hướng đầu tư phát triển tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nhận xét: “Du lịch sẽ là ngành có nhiều tiềm năng phát triển ở huyện Dầu Tiếng nếu chú trọng phát triển tốt cảnh quan, lợi ích từ hồ Dầu Tiếng và núi Cậu. Huyện nên tận dụng tối đa các lợi ích từ sông Sài Gòn, các giá trị văn hóa, lịch sử và phục hồi vườn cây sinh thái ở Đường Long, xã Thanh Tuyền để tiếp tục phát triển du lịch hơn nữa”.

Một thông tin đáng mừng khác là dự án du lịch của Vincom sẽ được đầu tư phát triển tại huyện Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Đây là dự án du lịch sinh thái cực kỳ lớn. Một khi dự án được hoàn thành, sức hút du lịch của huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục được nâng cao. Đây cũng chính là cơ sở để đặt niềm tin vào tương lai phát triển của ngành du lịch, dịch vụ của huyện trong thời gian tới.

Minh Nguyễn

 

 

Bài viết liên quan
back_to_top
Hotline tư vấn miễn phí: 0877.72.79.79
Zalo