Quốc hội: Hai Bộ trưởng chia sẻ về cấp sổ hồng cho bất động sản
23/07/2021
Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở (sổ hồng) được xem như một trong những yếu tố pháp lý quan trọng của các sản phẩm bất động sản.
Thời gian qua, việc chậm cấp sổ hồng chung cư cũng chính là nguyên nhân gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài tại nhiều dự án. Cùng đó, một số loại hình bất động sản mới còn đang vướng trong khâu cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản.
Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng về các nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Sẽ có Nghị định hướng dẫn cụ thể cho các loại hình bất động sản mới
Trước ý kiến phản ánh về việc một số chủ đầu tư chậm thực hiện việc cấp quyền sở hữu nhà ở cho người dân khi họ mua nhà chung cư có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.
Theo kiểm tra thực tế, việc chậm trễ này do nhiều chủ đầu tư của các dự án này chưa hoàn thành thủ tục pháp lý và nghĩa vụ về tài chính cũng như một số thủ tục theo quy định của pháp luật; trong đó có cả một số thủ tục như chưa được cấp giấy chứng nhận theo quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh môi trường...
Cùng đó, việc cấp sổ hồng cho loại hình condotel (căn hộ khách sạn) cũng được chú ý trong thời gian vừa qua. Để giải quyết những bất cập đã được nêu liên quan đến một số loại hình bất động sản mới bao gồm cả condotel, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định liên quan đến nội dung này.
Hiện hệ thống văn bản pháp luật về các sản phẩm không phải nhà ở mà là loại hình sản phẩm bất động sản mới như condotel, shophouse (nhà phố thương mại), officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn)... thì không có gì vướng mắc.
Trên thực tế, việc trao đổi, giao dịch các sản phẩm bất động sản mới này trên thị trường là trao đổi mang tính chất hoạt động kinh tế dân sự bình thường.
Tuy nhiên, để việc này thuận lợi hơn cho người dân, trong các Luật có liên quan sẽ được sửa đổi thời gian tới sẽ có những quy định rõ hơn để hướng dẫn. Cùng đó, ngay từ Nghị định cũng được xây dựng theo hướng có những hướng dẫn một cách cụ thể nhất, rõ ràng hơn.
Còn về pháp luật đất đai thì hiện nay không có vướng mắc mà chỉ đang vướng về hợp đồng và giao dịch kinh tế giữa các bên mua và bán. Việc hướng dẫn và phối hợp thực hiện có liên quan đến các ngành khác như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Chậm cấp sổ hồng chung cư chiếm 2% số vụ tranh chấp
Theo quy định pháp luật, 50 ngày sau khi bàn giao nhà ở cho người mua nhà thì chủ đầu tư phải thực hiện việc làm các thủ tục để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân. Pháp luật cũng đã quy định chế tài xử phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng đối với các chủ đầu tư chậm chễ việc này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội phản ánh có hiện tượng chậm cấp “sổ hồng” chung cư là có nhưng số lượng không lớn. Tranh chấp về vấn đề này chỉ chiếm 2% trong tổng số những tranh chấp về nhà chung cư. Tuy nhiên, số lượng người dân, hộ dân thì lại rất lớn nên việc này cần được tập trung giải quyết.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Một là do chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục để cấp quy hoạch, sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hai là, mặc dù đã thực hiện đầy đủ các thủ tục nhưng vẫn cố tình chậm chễ trong việc làm các thủ tục cấp quyền sở hữu nhà cho người dân.
Về giải pháp, Bộ Xây dựng đã trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có sự thống nhất và báo cáo với Quốc hội về giải pháp.
Trước mắt, đối với các loại dự án đã thực hiện xong thủ tục mà chủ đầu tư cố tình chây ì, đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Nếu vẫn cố tình vi phạm thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án còn thiếu một số thủ tục pháp lý để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, cần phải xử lý đồng thời song song 2 việc là giải quyết các thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư chưa thực hiện; đồng thời cũng phải thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân.
Giải pháp đối với mỗi địa phương hay mỗi dự án cũng khác nhau. Chúng tôi đề nghị các địa phương có báo cáo rà soát cụ thể và trao đổi ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để có hướng giải quyết.
Theo kinh nghiệm thì 2 Bộ chúng tôi đã làm việc với thành phố Hà Nội và đã giải quyết được một số vấn đề. Cụ thể là phải thực hiện một số giải pháp căn cơ hơn như: điều chỉnh các quy định của pháp luật về việc nghiệm thu nhà ở, nghiệm thu công trình xây dựng; sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định về hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo cho việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân, chuyển đổi dự án được chặt chẽ hơn./.
Theo TTXVN