ĐIỀU ‘BẤT THƯỜNG’ CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

18/01/2022

 

Chuyên gia đặt ra vấn đề về thị trường bất động sản còn những khúc mắc chưa có lời giải, tại sao tiền nhiều nhưng nguồn cung vẫn thiếu? Nhu cầu được cho là tăng nhưng cụ thể không rõ chính xác bao nhiêu?

 

Thị trường tăng trưởng trong thời gian tới

Tại hội thảo nhận định thị trường bất động sản 2022: Xu hướng và thách thức do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.

 

Với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là 1 trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh... so với nhiều nước trong khu vực . Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh tranh giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh.

 

Cùng đó, thị trường bất động sản cũng tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích cũng như chính sách tín dụng có điều chỉnh. Bởi vậy, năm, 2022 tiếp tục là năm củng cố về thể chế; tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường. Phân khúc đất nền và cao cấp vẫn sẽ có sự tăng trưởng tốt và phân hóa rõ rệt, sẽ có căn hộ siêu cao cấp. Giá căn hộ bình dân và trung cấp, với sự hỗ trợ của Nhà nước, dự báo giá sẽ hợp lý hơn.

 

Điểm ngược của thị trường

 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong một giai đoạn dài, vấn đề thông tin ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đây vẫn là nội dung cần tiếp tục thực hiện nâng cấp, hoàn thiện để có một hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu.

 

Theo ông Khởi, điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thông tin cơ bản về thị trường, về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, có định hướng sát thực tế trong việc hoạch định chính sách, tham mưu ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

 

Chỉ ra những điểm ngược của thị trường bất động sản thời gian qua, ông Khởi nói: “Trong lúc dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế có nhiều vấn đề tồn tại nhưng thị trường bất động sản tôi không biết nói là sáng hay cần quan tâm”.

 

Ông Khởi cũng đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn đối với thị trường bất động sản: “Có những điểm lạ, thứ nhất, tiền rất nhiều nhưng không vào nguồn cung đầu tư thị trường, vậy tiền vào chỗ nào? Dòng tiền nhiều nhưng nguồn cung vẫn thiếu. Thứ hai, nhu cầu bất động sản năm nào cũng tăng, nhưng chưa có số liệu nhu cầu thực chính xác là bao nhiêu.

 

Nhiều nguồn tin cho rằng năm 2021, thị trường phát triển nóng không biết có đúng không? Có một số tỉnh có sự vực dậy của thị trường, nhưng như vậy có phải là đại diện cho cả nước hay không?”.

 

Theo ông Khởi, bất động sản luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó. Một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực và được thụ hưởng. Đó là các vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan hiện đã dần hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Đơn cử như Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Do đó, năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường.

 

Bài viết liên quan
back_to_top
Hotline tư vấn miễn phí: 0877.72.79.79
Zalo