Bình Phước: Khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV
15/04/2021(Xây dựng) – Ngày 24/9, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái đã chủ trì Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đề án được chấm 87 điểm.
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái chủ trì Hội nghị thẩm định. |
Chơn Thành hướng đến tiêu chí đô thị loại III
Ngày 7/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, trong đó xác định Chơn Thành là đô thị loại IV. Đến ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg.
Trong đó, Chơn Thành được xác định là đô thị loại III, là cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc của vùng thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm công nghiệp phía Bắc, trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế cấp vùng; đồng thời cũng là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng của vùng, quốc gia.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 19/12/2017, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chơn Thành tiếp tục được quy hoạch là đô thị loại IV trong giai đoạn 2017 – 2020 và là đô thị loại III trong giai đoạn 2026 – 2030.
Theo đề án quy hoạch, khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành có 1 thị trấn và 8 xã, tổng diện tích 389,59km2. Khu vực nội thị gồm thị trấn Chơn Thành và 4 Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành và Thành Tâm. Khu vực ngoại thị có 4 xã Quan Minh, Minh Thắng, Minh Lập và Nha Bích.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đạt tiêu chí đô thị loại IV. |
Chơn Thành có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bình Phước, là nơi giao cắt các tuyến Quốc lộ 13, 14, đường Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc, đường sắt...
Đường đi từ Chơn Thành đến các đô thị lớn trong vùng cũng rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực dự kiến thành lập thị xã cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 35km, cách thành phố Thủ Dầu Một 55km và cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 85km.
Dân số toàn huyện năm 2019 là 107.350 người, trong đó có 68,5% lao động phi nông nghiệp. Trong tương lai, tỷ lệ dân số khu vực nội thị dự kiến đạt 84.175 người và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của khu vực là 80,47%.
Thời quan qua, Chơn Thành đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản và tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Giai đoạn 2017 – 2019, kinh tế Chơn Thành tăng trưởng bình quân 19,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng đều hàng năm, đạt mức 63 triệu đồng/người năm 2019, bằng khoảng 1,06 lần so với thu nhập bình quân cả nước. Cân đối thu chi ngân sách hàng năm của Chơn Thành đều dư, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2019 giảm xuống 0,4%.
Trong những năm qua, Chơn Thành nhận được sự đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông huyết mạch kết nối liên vùng... Hiện nay, khu vực đang phát triển nhiều khu công nghiệp lớn và các khu đô thị mới quy mô lớn. Đó là tiềm lực thúc đẩy huyện Chơn Thành trở thành một khu đô thị hiện đại, phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị và đa dạng về dịch vụ.
Việc công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV sẽ là rất cần thiết để tạo động lực và điều kiện cho khu vực này thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Sau khi được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, Chơn Thành sẽ hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại III trong giai đoạn 2025 – 2030.
Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng của khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. |
Chơn Thành cần bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí nào?
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đề án đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định, phù hợp với chương trình phát triển đô thị quốc gia, quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Bình Phước và có tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản trước đó của các Bộ, ngành. Mặc dù vậy, các thành viên Hội đồng thẩm định vẫn bổ sung thêm một số ý kiến góp ý cho địa phương và đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án tốt hơn.
Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) kiến nghị Chơn Thành quan tâm xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải - nước thải, công trình kiến trúc cảnh quan đô thị và diện tích cây xanh
Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) lưu ý địa phương chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề nghị bổ sung lộ trình và nguồn lực cụ thể để khắc phục các tiêu chí chưa đạt. Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) yêu cầu làm rõ mức độ đầu tư xây dựng cho khu vực mở rộng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị rà soát nội dung phạm vi ranh giới. Bộ Công Thương lưu ý bổ sung phân tích cụ thể về thế mạnh và định hướng phát triển công nghiệp của địa phương. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cải thiện tỷ lệ đất giao thông, tỷ lệ vận tải công cộng. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương góp ý việc đề án chưa có nội dung về Nông thôn mới.
Ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tiếp thu ý kiến đóng góp và giải trình một số vấn đề tại Hội nghị thẩm định. |
Thay mặt địa phương, ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và giải trình một số vấn đề như mật độ dân số, phạm vi ranh giới, xử lý rác thải, nước thải, hỏa táng…
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước cũng khẳng định, Chơn Thành cam kết sẽ nỗ lực hoàn thiện 4 tiêu chuẩn chưa đạt (mật độ dân số toàn đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật và tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng) và nâng cấp các tiêu chuẩn để có thể thành lập thị xã đạt tiêu chí đô thị loại III trong tương lai.
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Trần Quốc Thái đã tổng kết ý kiến của Hội đồng thẩm định và đề nghị địa phương, đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án tốt nhất, trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt. Hội đồng thẩm định nhất trí chấm Đề án đạt 87 điểm.