NHIỀU BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG CÙNG VÀO CUỘC CHỐNG “NÉ THUẾ” CHUYỂN NHƯỢNG BĐS

27/04/2022

Công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) không còn là vấn đề của riêng ngành Thuế, mà cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan liên quan.

 

Đủ chiêu trò “né” thuế


Theo quy định, người bán là cá nhân chuyển nhượng BĐS phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp BĐS đóng 20% trên thu nhập và còn nhiều loại phí, lệ phí khác. Tuy nhiên, theo Cục Thuế TP.Hà Nội, thời gian qua trên địa bàn vẫn tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không phù hợp với thực tế giao dịch (bán nhà đất hai giá) dẫn đến kê khai thiếu các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.


Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, tình trạng người dân thường khai giá mua bán BĐS trên hợp đồng công chứng theo barem thuế có sẵn, thường thấp hơn giá thị trường diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, giá tham chiếu của cơ quan thuế địa phương chỉ là công cụ ngăn những giao dịch với mức giá thấp dưới khung nhưng vẫn có khoảng cách rất xa so với giá thật. Do đó, trên thực tế, bên bán và bên mua BĐS sẽ làm một hợp đồng giá thấp để kê khai thuế và một phụ lục hợp đồng khác ghi đúng giá thực tế để “né thuế” giảm bớt tiền thuế, phí phải nộp theo nghĩa vụ tài chính.


Bên cạnh đó, luật cũng quy định đây là những giao dịch dân sự, cho phép người mua và người bán được quyền thỏa thuận, chỉ cần bằng hoặc cao hơn mức Nhà nước quy định. Do đó, nếu người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, cố tình tránh thuế, trốn thuế thì rất khó để quản lý, ngăn chặn.


Nhiều Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc

 



Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cùng vào cuộc thực hiện việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Cụ thể, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam về việc chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng BĐS.


Tại văn bản này, Bộ Tư pháp yêu cầu Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chỉ đạo và có cơ chế giám sát các hội công chứng viên trong việc yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

 

Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê đúng giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.


Đồng thời, phối hợp với Cục Thuế, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng tại địa phương nói chung và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về BĐS nói riêng. Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng, kinh doanh BĐS (nếu có).


Trước đó, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 438 về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Trong đó, Bộ này đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục thuế để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế, chuyển nhượng BĐS hai giá nhằm ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế địa phương chủ động phối hợp cơ quan Công an, Sở Tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.


Sau đó, nhiều địa phương đã ra văn bản siết chặt các trường hợp chuyển nhượng nhà đất, BĐS mà giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế. Cụ thể, tại Hà Nội, Cục Thuế thành phố đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với các Sở, Ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các tổ chức hành nghề công chứng trong công tác tuyên truyền đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế nhằm chống thất thu thuế.


Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về thuế nói riêng cho mỗi người dân, Cục Thuế TP. Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS cũng như quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế... thông qua các hình thức như: Phát “thư ngỏ” với nội dung vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ thuế tại các văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng công chứng và bộ phận “một cửa” của Cục Thuế và các chi cục thuế; tuyên truyền trên website của Cục Thuế, các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin xã hội; phối hợp với Sở tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng BĐS…


Với thông điệp “Người nộp thuế thực hiện trung thực về việc kê khai giá thực tế chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như khi kê khai các nghĩa vụ thuế phát sinh để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân”, trong thời gian tới, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND thành phố trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng BĐS để người dân, doanh nghiệp được biết và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Cùng với đó, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác xác minh, điều tra xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS...

Bài viết liên quan
back_to_top
Hotline tư vấn miễn phí: 0877.72.79.79
Zalo